ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG PHÒNG DỊCH COVID-19

Tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn phòng dịch COVID-19 do Bộ y tế ban hành, đồng thời cần đảm bảo vệ sinh thực phẩm, sử dụng nước sạch và thực phẩm an toàn để tổ chức bữa ăn an toàn, đủ chất dinh dưỡng.
  1. Tại hộ gia đình
1.1. Khi mua thực phẩm ngoài chợ:
  • Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người bán, và với người mua khi giao tiếp hoặc xếp hàng.
  • Với thực phẩm sống: chọn thực phẩm tươi, ngon đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Với thực phẩm khô, chế biến sẵn: chọn thực phẩm không mọt, mốc, trong thời hạn sử dụng.
  • Rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm và các loại thịt sống để tránh mang mầm bệnh về nhà.
  • Trong điều kiện giãn cách xã hội, có thể cân nhắc mua các loại thực phẩm đồ khô, dễ bảo quản, đảm bảo dinh dưỡng.
  • Không tiếp xúc với vật nuôi lang thang, gia súc, gia cầm bị bệnh hay thịt vật nuôi bị ôi, hỏng, chất thải và nước thải trong chợ. Không sử dụng thịt động vật chết do bị bệnh vì đây có thể là những nguồn lây bệnh.
1.2. Khi bảo quản thực phẩm tại nhà:
+ Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, đảm bảo nhiệt độ ngăn lạnh, ngăn đông đá, bảo quản trong túi sạch chuyên dùng đựng thực phẩm (không bảo quản bằng túi nilong mua từ chợ), bảo quản trong thời gian thích hợp (nên ghi thời gian mua trên túi đựng thực phẩm).
+ Với thực phẩm đồ khô, đồ chế biến sẵn: cần sắp xếp gọn gàng, tránh ẩm, mốc, và chú ý hạn sử dụng.
+ Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ tủ lạnh, tủ đựng thực phẩm.
1.3. Khi chế biến thực phẩm tại nhà:
+ Sử dụng tạp dề, găng tay, khẩu trang khi chế biến các sản phẩm thịt, trứng gia cầm.
+ Sử dụng dao và thớt riêng khi nấu ăn để tránh nhiễm chéo từ thực phẩm sống vào đồ ăn chín.
+ Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để loại bỏ các mầm bệnh sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống hoặc trước khi tiếp xúc với thực phẩm chín.
+ Nấu chín kỹ các loại thịt, trứng gia cầm trước khi ăn để đảm bảo tiêu diệt virus, vi khuẩn.
+ Vệ sinh sạch sẽ khu vực chế biến, bàn, bếp, chậu rửa, tủ lạnh… sau khi nấu ăn
1. 4. Có thói quen ăn uống, sinh hoạt đảm bảo vệ sinh:
+ Luôn ăn chín, uống sôi để hạn chế nguy cơ lây bệnh qua thực phẩm.
+ Không nên sử dụng đũa, thìa, cá nhân gắp các món chung để hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus, vi khuẩn qua đường ăn uống.
Ngoài ra, cần thói quen sinh hoạt nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh:
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân: không dùng chung khăn mặt, bàn chải răng, cốc uống nước. Giặt khăn thường xuyên, giữ khăn luôn khô, sạch, không treo khăn mặt và khăn tắm ướt trong nhà tắm.
  • Cẩn thận khi chạm vào các đồ vật: nên chú ý đến tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, máy tính để bàn, điện thoại di động, đồ chơi, máy tính cá nhân hay bất kỳ đồ vật nào có bề mặt tiếp xúc với tay, hãy lau sạch các vật dụng này thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn.
  1. Với người làm việc trong khu chợ, cửa hàng bán thực phẩm tươi sống
  • Giữ khoảng cách với mọi người theo khuyến cáo.
  • Mang trang phục bảo hộ: quần áo bảo hộ, găng tay, khẩu trang khi xử lý động vật và các sản phẩm động vật.
  • Thay trang phục bảo hộ sau khi làm việc, giặt hàng ngày và để trang phục bảo hộ tại nơi làm việc.
  • Tránh để các thành viên trong gia đình tiếp xúc với trang phục, ủng bẩn.
  • Không buôn bán động vật hoang dã.
  • Theo dõi, chăm sóc sức khỏe bản thân và khai báo y tế.
  1. Một số lưu ý trong đảm bảo vệ sinh phòng dịch của các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống tập thể
Ngoài việc thực hiện thường quy các bước trong quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cần một số lưu ý để phòng dịch như sau:
3.1.      Đối với nhân viên làm việc tại Bếp
  • Thực hiện khai báo y tế theo quy định của đơn vị. Nếu nhân viên có vấn đề sức khỏe cần báo ngay với đơn vị chủ quản.
  • Rửa tay, thay trang phục trước khi vào Bếp và khi ra khỏi đơn vị. Đeo khẩu trang và đội mũ trong quá trình làm việc.
  • Giảm tối thiểu tiếp xúc gần giữa các nhân viên với nhau trong quá trình làm việc, trong sinh hoạt (ăn, nghỉ). Khi tới giờ ăn, cần chia suất riêng, ngồi cách xa, tránh ngồi ăn chung với nhau. Thực hiện lối sống vệ sinh, nâng cao tinh thần phòng chống dịch.
3.2.      Quá trình sản xuất cung cấp suất ăn
3.2.1. Nhập thực phẩm:  Người giao thực phẩm cần thực hiện khai báo y tế, tại bếp có khu vực nhập thực phẩm riêng biệt, giữ khoảng cách tiếp xúc > 2 m với người giao thực phẩm, đeo khẩu trang và mũ khi nhận thực phẩm.
3.2.2.   Chia suất ăn: Nhân viên chia suất phải đội mũ, đeo khẩu trang và găng tay.
3.2.3.   Giao suất ăn và thu dụng cụ ăn uống:
  • – Nhân viên giao suất ăn phải đội mũ, khẩu trang. Xe đựng suất ăn được vệ sinh bằng các dung dịch khử khuẩn ngay trước khi xếp các suất ăn vào xe.
  • – Tại địa điểm giao suất ăn: nhân viên giao suất ăn đặt xe tại khu vực an toàn theo quy định, sau đó đứng cách xa xe chia suất ăn 2 m. Người nhận lấy suất ăn tại xe đẩy để tránh tiếp xúc gần. Sau khi đã lấy suất ăn, người nhận rời khỏi vị trí đặt xe tối thiểu 2 m, người tiếp theo vào lấy suất ăn, quy trình tiếp tục cho đến khi xuất ăn được giao hết, nhân viên giao suất ăn đẩy xe về bếp.
3.2.4.   Vệ sinh dụng cụ, bề mặt tại khu vực bếp
Thực hiện vệ sinh thường quy, tăng cường vệ sinh với khu vực chia suất ăn, bề mặt khu vực bếp, vệ sinh xe đẩy thực phẩm: trước khi xếp suất ăn vào, lau rửa và vệ sinh xe đẩy suất ăn sau khi phát xong.
3.2.5. Vệ sinh dụng cụ ăn uống (tại các cơ sở y tế, hoặc nơi có đối tượng nghi nhiễm)
– Đối với dụng cụ sử dụng 1 lần: đặt dụng cụ, thực phẩm thừa vào trong túi đựng chất thải lây nhiễm trong phòng cách ly. Nhân viên vệ sinh thu gom, xử lý chất thải này như chất thải y tế lây nhiễm.
– Đối với dụng cụ tái sử dụng: Thu gom dụng cụ tái sửa dụng vào thùng kín có dán nhãn dụng cụ ăn uống của người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19. Thức ăn thừa cho vào thùng đựng chất thải lây nhiễm.
– Nhân viên nhà ăn lấy thùng chứa dụng cụ đã đậy kín, dán nhãn tại vị trí quy định, sau đó vận chuyển bằng xe có nắp kín về khu vực xử lý riêng, tuân thủ theo quy trình xử lý dụng cụ ăn uống theo Quyết định số 468/ QĐ – BYT ngày 19 tháng 2 năm 2020 của Bộ Y tế về “Hướng dẫn phòng và kiểm soát bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona 2019 (COVID–19) trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.
 (Theo Sách “Hướng dẫn dinh dưỡng dự phòng COVID-19” – Hội Tiết chế Dinh dưỡng Việt Nam)